“Đa số phụ huynh không phải là chuyên gia tài chính nên khó thấy các rủi ro đầu tư”

Việc đầu tư, góp vốn vào các trường học tư được nhiều phụ huynh chọn lựa. Tuy nhiên theo chuyên gia, việc này có các rủi ro nếu như chủ đầu tư bị mất khả năng chi trả như Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN).

Anh Lê Trung Nam, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Công ty EPS Investing Việt Nam đã có cuộc trao đổi, bàn luận cùng phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam quanh sự việc này, trong bối cảnh lùm xùm của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) đang tồn tại và chưa tìm được hướng giải quyết rốt ráo.

Phóng viênTrường Quốc tế Mỹ AISVN là trường tư, theo đại diện của Sở GD&ĐT TPHCM thì Trường có quyền kêu gọi góp vốn, vay vốn từ phụ huynh. Việc này được hiểu cụ thể như thế nào, thưa anh?

Chuyên gia Lê Trung Nam: Trường tư thục về bản chất là một doanh nghiệp nên không bị giới hạn trong việc huy động vốn qua hình thức góp vốn, vay vốn. Đối với huy động vốn, luật pháp có những quy định khi phát hành cổ phần ra công chúng phải đảm bảo một số điều kiện nhất định theo Luật chứng khoán. Còn với vay vốn thì cởi mở hơn, vì đó là niềm tin giữa bên cho vay và bên đi vay. Đối với AISVN thì nên xem lại việc huy động vốn có thực hiện đúng quy định pháp luật không, cam kết thế nào. Trường hợp nhà trường không thực hiện đúng cam kết, thỏa thuận, các nhà đầu tư và phụ huynh có thể đưa vụ việc ra pháp luật để được xem xét giải quyết.

Phóng viênCác năm qua, AISVN đã có 900 phụ huynh đóng tiền để con học từ lớp 1 đến lớp 12, nếu trẻ chuyển trường hoặc tốt nghiệp thì được nhà trường chuyển lại. Mô hình kinh doanh này trên thế giới và Việt Nam đã có tiền lệ như thế nào?

Chuyên gia Lê Trung Nam: Trên thế giới việc huy động vốn của một doanh nghiệp rất đa dạng nên việc AISVN vay vốn, huy động vốn, từ phụ huynh và nhà đầu tư cũng là một hình thức thông thường. Tương tự như một doanh nghiệp vay vốn, huy động vốn từ người lao động hay gia đình của họ. Dĩ nhiên các bước thực hiện phải đúng quy định của pháp luật. Việc huy động vốn từ phụ huynh của các trường tư thục ở Việt Nam bắt đầu khoảng 15 năm trước và mô hình này đã được nhiều trường thực hiện. Cho đến nay đa số trường vẫn ổn.

Phóng viênViệc đầu tư, cho vay không thế chấp được coi là “nắm đằng lưỡi”. Tuy nhiên vì sao đa số các phụ huynh vẫn chấp nhận phương án này, trong khi hầu hết họ là tầng lớp trung lưu trở lên, có các hiểu biết nhất định? Theo anh, đó là tâm lý đầu tư, tâm lý kinh doanh ra sao?

Chuyên gia Lê Trung Nam: Đa số phụ huynh không phải là chuyên gia tài chính nên sẽ rất khó nhìn thấy được những rủi ro của mô hình kinh doanh này. Tính đơn giản một phụ huynh cho nhà trường vay 4 tỷ đồng không lãi suất. Nếu tính lãi suất trung bình trong suốt 12 năm là 7%/năm thì tương đương họ đóng học phí 280 triệu đồng/năm. Nếu so với mức học phí niêm yết cao hơn nhiều lần thì họ cảm thấy được lợi lớn. Món lợi này làm cho nhiều người mất cảnh giác mà không xem xét thấu đáo.

Tuy nhiên, mô hình này chỉ bền vững nếu trường đem số tiền đó đầu tư vào những tài sản ít rủi ro, như trái phiếu chính phủ hoặc tiền gửi, và lấy tiền lãi để duy trì hoạt động. Còn nếu đầu tư vào những tài sản rủi ro như chứng khoán, bất động sản thì mô hình rất dễ bị sụp đổ, do không có dòng tiền để hoạt động khi thị trường giảm sâu. Đây cũng là một khoảng trống của luật pháp nên cần có quy định việc sử dụng vốn như thế nào đối với những doanh nghiệp đặc biệt như thế này vì ảnh hưởng của nó quá lớn, nhất là với các học sinh đang theo học tại trường.

Phóng viên: Việc mất khả năng chi trả để vận hành hệ thống của AISVN có thể sẽ khiến mô hình kinh doanh này khó có thể duy trì. Như vậy, các bước tuần tự của sự việc này sẽ diễn ra như thế nào, thưa anh? (Ví dụ công bố phá sản, bán cho bên đầu tư khác…)

Chuyên gia Lê Trung Nam: Hiện tại, các cơ quan chức năng đang cùng phụ huynh và nhà trường tìm hướng đi thích hợp nhất nên chưa thể nói trước điều gì. Hiện tại, ổn định việc học tập của các cháu là ưu tiên nhất, sau đó là tái cấu trúc tài chính của trường, có thể thông qua nhiều hình thức, như huy động thêm vốn và chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới có khả năng tài chính.

Đối với hình thức huy động thêm vốn, đây là hình thức “chữa cháy” nhanh nhất và hiện đã có một số phụ huynh đồng ý góp thêm tiền để trường có kinh phí vận hành đến hết năm học này. Tuy nhiên, nếu không huy động đủ vốn thì sẽ khó duy trì hoạt động của trường như mong muốn.

Đối với hình thức chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới sẽ cần rất nhiều thời gian thương thảo, đàm phán nên sẽ là giải pháp tiếp theo để cơ cấu tài chính của trường về lâu dài. Và đương nhiên, việc tham gia của các chuyên gia tài chính là rất cần thiết trong giai đoạn này.

Nguồn: Đinh Thu Hiền – Báo Phụ nữ Việt Nam

Để không bỏ lỡ!

Đăng ký bản tin miễn phí của chúng tôi