Cộng đồng nhà bán hàng tố Shopee chiếm dụng vốn

Những ngày qua, cộng đồng người bán hàng qua sàn thương mại điện tử Shopee “dậy sóng” vì sàn này thay đổi một loạt chính sách bán hàng, nâng thời gian trả hàng miễn phí cho người dùng lên 15 ngày, đồng thời giữ tiền nhà bán hàng lâu hơn.

Cùng với thay đổi trên, Shopee cũng cho ra đời app cho người bán hàng vay. Trong khi nhiều người mua hàng và chuyên gia ủng hộ các chính sách mới của sàn này, nhất là việc kéo dài thời gian đổi trả hàng, nhiều chủ shop hoài nghi liệu người bán có phải đang vay tiền của… chính mình!?

Mua hàng trên Shopee có thêm thời gian đổi trả

Kể từ ngày 8-3 vừa qua, người mua hàng trên sàn Shopee có thể trả lại các sản phẩm đã mua có gắn nhãn “đổi ý miễn phí 15 ngày” kể từ ngày giao hàng, kéo dài hơn so với ba ngày như chính sách trước đây, và miễn 100% phí vận chuyển hoàn về. Thậm chí, người mua có thể yêu cầu trả hàng hoặc hoàn tiền với lý do “không còn nhu cầu hoặc hàng có vấn đề”.

Chị Huyền Trang, ngụ TP Thủ Đức (TP.HCM), cho biết mới đây chị mua máy hút bụi trên sàn này và đã dùng thử nhưng phát hiện các thông tin trên sản phẩm bị dán đè, không đúng công suất, tính năng miêu tả như trên vỏ hộp. Chị quyết định hoàn trả. “Tôi vừa phản hồi trả hàng, quay hình ảnh miêu tả thì đến chiều đã có người giao hàng đến nhận lại hàng. Tiền trả hàng cũng về tài khoản ngay sau đó”, chị Trang cho biết.

Chuyên mua hàng trên sàn thương mại điện tử, thậm chí có hẳn tài khoản “VIP”, anh Q.Vinh (quận 7) cũng cho biết chính sách cho phép đổi trả hàng lên 15 ngày là hợp lý, thậm chí 30 ngày vẫn có thể nên cân nhắc. Theo anh Vinh, rất nhiều người có thói quen mua xong để đó và vài ngày sau mới mở hàng. Với chính sách cũ, hầu như khách mất quyền lợi trả hàng, chịu thiệt nếu mua phải hàng kém chất lượng.

“Chính sách mới cũng theo thông lệ quốc tế như sàn thương mại điện tử lớn của Mỹ là Amazon cho người mua đổi trả trong vòng 30 ngày. Ở góc độ khác, chính sách mới cũng giúp sàng lọc lại được chất lượng người bán, vì nếu khách có lý do đổi trả hàng chính đáng thì shop phải chịu phí vận chuyển hoàn trả”, anh Vinh bày tỏ sự ủng hộ chính sách mới.

Nhà bán hàng tố bị “chèn ép”

Trái ngược với sự ủng hộ của người tiêu dùng, các nhà bán hàng trên sàn này “sôi sục” những ngày qua. Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh N.V.Tuấn (34 tuổi, tỉnh Quảng Ngãi), là chủ cửa hàng online chuyên bán các mặt hàng thời trang nữ trên sàn này, cho biết đã đăng ký bán qua sàn Shopee được ba năm và trước giờ hài lòng với chính sách bán hàng, quy định của sàn.

Đặc biệt, khi shipper giao hàng xong và đã báo vào mục hàng đã thanh toán, trong ba ngày tiền sẽ vào số dư tài khoản Shopee. Tuy nhiên, từ ngày 8-3 đến nay, không những anh Tuấn mà nhiều người rất bức xúc khi đơn hàng giao thành công nhưng 15 ngày sau sàn mới thanh toán cho người bán. Như vậy là giữ tiền quá lâu, nhiều nhà bán hàng không có vốn để lấy hàng mới.

“Như tôi đang kẹt 50 triệu đồng để lấy hàng, trong khi đơn đã giao Shopee giữ hơn 30 triệu đồng rồi”, anh Tuấn bức xúc nói. Ngoài việc giam dòng tiền của người bán, lý do “tăng trải nghiệm khách hàng” của sàn này khiến không ít người khổ sở.

“Khách mua hai áo, “trải nghiệm” được hai ngày và trả hàng, Shopee chấp nhận và gửi về cho shop. Tôi kiểm tra, khách đã mặc và đi chụp hình, có mùi cơ thể. Từ số điện thoại khách hàng, tôi check qua Zalo khách, thấy khách mặc áo mình đi chụp hình. Gửi khiếu nại, Shopee bắt chứng minh… mùi cơ thể để thể hiện đã sử dụng. Tôi chỉ biết kêu trời…” – chị Nguyễn Thị Anh (TP.HCM), chủ một cửa hàng bán quần áo trên sàn này, bức xúc.

Theo các nhà bán hàng, không chỉ kéo dài thời gian trả tiền, một số chính sách khác được cho là “ép” người bán mà sàn Shopee áp dụng gần đây như shop phải gửi hàng nhanh trong vòng 12 – 24 giờ nếu không sẽ bị trừ điểm vận hành, tăng phí sàn lên tối thiểu 8%, tiền ship đối với hàng bị hoàn do shop chi trả…

Người bán hàng bị chiếm dụng vốn?

Thời gian qua, trên mạng xã hội đã có một số diễn đàn, nhóm chat… được lập ra để “hợp sức” nói về những bức xúc về các chính sách của sàn này. Trên Facebook, nhóm “Shopee – chia sẻ kinh nghiệm bán hàng nghìn đơn” với gần 1 triệu người tham gia liên tục chia sẻ những bức xúc. Tài khoản Luice Phạm đăng dòng trạng thái: “Trả hàng 15 ngày cũng được, nhưng làm ơn trả tiền đơn đã giao thành công từ ngày 8-3. Ai có cách nào khiếu nại không, chứ mình đuối rồi”.

Hoặc có nhiều tài khoản ẩn danh lên tiếng: “Shop em 10 ngày rồi vẫn chưa thấy tiền đâu. Doanh số 150 triệu mà tuần này mới nhận về ví có 2tr là sao”, “Chào các bạn! Bình thường em về cuối tuần mấy trăm triệu để trả tiền hàng. Hôm nay kiểm tra 0 đồng. Tiền đâu em trả cho người ta”…

Một đại diện bán hàng trên sàn này cũng cho biết trong nhiều chính sách đưa ra dành cho người bán hàng, có những chính sách người bán rất bị động. “Nếu người mua không bấm “Đã nhận hàng” trên ứng dụng thì tám ngày kể từ khi giao hàng thành công, tiền hàng mới trả vào ví người bán.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nếu người bán hàng xác định hàng lỗi của cửa hàng thì sẽ bấm trả hàng ngay. Tôi có mấy triệu tiền hàng nhưng đợi hoài cả hai tuần nay”, chị này phản ánh với Tuổi Trẻ.

Theo các nhà bán hàng cá nhân, tiền hàng thường không hề ít, nếu ngâm lâu như vậy chẳng khác gì chiếm dụng vốn. Với chính sách này, cửa hàng phải tăng giá bán hoặc khuyên khách mua trên nền tảng khác. Một người bán cho biết đã chủ động tăng giá bán thêm 2% để tự phòng rủi ro các chi phí vì chính sách mới áp dụng.

Trong khi đó, những người bán hàng kẹt nguồn tiền đành chọn phương án đóng cửa trên sàn này. Theo chị Nguyễn Thị Thu (bán sữa, bỉm và đồ em bé, ở TP.HCM), sau khi chính sách mới được Shopee áp dụng, khi bán được hàng nhưng nhiều người bán lại sợ… gửi hàng đi.

“Thay vì vui mừng, chưa bao giờ người bán có cảm giác lo sợ như bây giờ. Tiền bị giam trả về kiểm tra chưa biết thiếu đủ vì đơn hàng mỗi ngày của tôi rất nhiều, dồn nửa tháng có thể lên nghìn đơn, không thể ghi sổ sách kiểm tra và kiện tụng. Tôi chọn giải pháp… đóng shop online”, chị Thu nói.

Tăng trải nghiệm của khách hàng là xu hướng tất yếu

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tài chính Lê Trung Nam, giám đốc Công ty TNHH EPS Investing Việt Nam, cho rằng việc tăng thời gian đổi trả hàng là hoàn toàn phù hợp với xu thế.

“Việc tăng trải nghiệm của khách hàng bằng việc tăng thời gian đổi trả hàng là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới. Amazon cho phép người mua đổi trả hàng trong thời hạn 30 ngày. Nên việc giữ tiền của người bán cho đến khi hết hạn đổi trả hàng là một việc bình thường. Vì vậy, thương nhân nên thích nghi với việc này vì nó cũng giúp tăng độ tin cậy của họ”, ông Nam khuyến cáo.

Cũng theo ông Nam, việc Shopee áp dụng chính sách cho vay cũng nhằm giúp thương nhân xoay vốn. Hơn nữa, lãi suất Shopee đưa ra, nhân ra khoảng 20%/năm, cũng bình thường, không vi phạm luật.

Sàn thương mại lấy “mỡ nó rán nó”?

Thông tin trên website Shopee.vn cho biết từ ngày 26-2, sàn này đã có thông báo về dịch vụ Seasy cho vay người bán. Theo đó, người bán có thể vay tối đa 200 triệu đồng, tối thiểu 10 triệu đồng cho hai khoảng thời gian 3 tháng và 6 tháng. Thẩm định hồ sơ nhanh, lãi suất chỉ từ 1,74%. Những thông tin này cũng khiến người bán hàng hoài nghi rằng mình đi vay của chính mình!?

“Nhà bán hàng bức xúc vì tiền của mình nằm đó không rút về quay vòng vốn kinh doanh được, còn sàn thì quay ra cho vay? Tại sao trước đây sàn không hỗ trợ vay cho người bán? Như vậy là liệu có lạm dụng chính sách “ép” người bán, “kỹ xảo” trong chiếm dụng vốn?” – anh N.V.Tuấn, chủ một shop thời trang trên sàn này, bày tỏ nghi ngờ.

Vừa bán trên cả 4 sàn lớn gồm Shopee, Lazada, TikTok Shop và Tiki, chị Nguyễn Thị Xuân (TP.HCM) cho rằng việc sàn Shopee thay đổi chính sách là không công bằng với người bán. Bởi bán trên sàn bây giờ cũng rất cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ uy tín của sàn, vậy ai bảo vệ người bán?

“Không thể nói không bán được thì dừng bán trên sàn thương mại điện tử. Phương thức nào cũng là môi trường kinh doanh nên cần công bằng nhiều phía. Tiền Shopee quay lại cho vay, tôi hoàn toàn hoài nghi”, chị Xuân nói.

Nguồn: Thảo Thương và Như Bình – Báo Tuổi Trẻ

Để không bỏ lỡ!

Đăng ký bản tin miễn phí của chúng tôi